Trường đại học sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để thu hút GS, PGS về làm việc

 In Tin tức sự kiện

GDVN – Với chủ trương trọng dụng nhân tài, nhiều trường ĐH đẩy mạnh chính sách đầu tư trọng tâm, dài hạn, có trường chi hàng trăm triệu đồng thu hút GS, PGS.
Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên chính là một trong những giải pháp quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện nay, nhiều trường đại học đã triển khai các cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng người tài, có năng lực, nhằm tạo đột phá trong chiến lược phát triển đội ngũ.

Nhiều trường không ngại chi “mạnh tay” với chính sách thu hút một lần những nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành ở mức cao

Thu hút một lần 500 triệu đồng với giáo sư dưới 50 tuổi

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing (đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tài chính) cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, nhà trường đã công bố công khai kế hoạch tuyển dụng và thu hút giảng viên trình độ cao với quy mô lớn.

Trong đợt tuyển dụng này, cơ sở đào tạo tuyển 43 chỉ tiêu theo hình thức xét tuyển. Trong đó, trọng tâm tuyển dụng giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên với số lượng 35 chỉ tiêu.

Đồng thời, trường xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ giảng viên quy định theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Cụ thể, người có chức danh giáo sư dưới 50 tuổi được nhà trường chi khoản kinh phí thu hút một lần là 500 triệu đồng; từ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 400 triệu đồng.

Đối với chức danh phó giáo sư, người dưới 50 tuổi là 300 triệu đồng, từ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 200 triệu đồng. Còn chính sách thu hút với tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài là 100 triệu đồng và tiến sĩ tốt nghiệp trong nước là 60 triệu đồng (không phân biệt độ tuổi).
Chính sách này được áp dụng cho cả ứng viên trúng tuyển qua các kỳ tuyển dụng viên chức hàng năm của trường. Đặc biệt, từ năm 2018 – 2023, nhà trường phát huy công tác thu hút hiệu quả và tiếp nhận được 4 phó giáo sư và hơn 15 tiến sĩ.

Về tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên năm 2024, ngoài tiêu chuẩn, điều kiện chung theo quy định của Luật Viên chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chức, viên chức, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ, ứng với từng vị trí giảng viên thuộc các khoa chuyên môn sẽ có tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể.

Ngoài điều kiện học hàm, học vị, tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên của Trường Đại học Tài chính – Marketing đòi hỏi có thêm kinh nghiệm, năng lực ngoại ngữ, năng lực nghiên cứu khoa học, có tư duy quản lý giáo dục hiện đại, năng lượng tích cực, yêu nghề và tâm huyết truyền giảng tri thức, cống hiến cho xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu theo Chiến lược phát triển của trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mặt khác, chính sách này được nhà trường áp dụng công khai, minh bạch, không tiêu cực và công bằng đối với tất cả nhân tài hiện có và nhân tài tuyển dụng nhằm tạo cơ hội phát huy tối đa năng lực bản thân để thăng tiến sự nghiệp cá nhân.

Trường xây dựng chính sách chi trả thu nhập theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp dựa trên hiệu quả công việc thông qua các chỉ số đo lường đánh giá phù hợp với mô hình quản trị đại học. Đồng thời, cơ sở đào tạo đầu tư đủ mạnh và phù hợp với điều kiện thực tế, luôn điều chỉnh chính sách đãi ngộ, thể chế hóa và công khai Quy chế chi tiêu nội bộ của trường.

Theo Phó Giáo sư Phạm Tiến Đạt, Trường Đại học Tài chính – Marketing trong nhiều năm qua đã nhất quán chủ trương và kiên trì thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút giảng viên trình độ cao cam kết tâm huyết cống hiến lâu dài từ ngoài về làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại trường.

Điều này sẽ góp phần động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ hữu của nhà trường được yên tâm và tích cực trở thành các nhân tố nòng cốt, cống hiến vì sự phát triển bền vững nhà trường, đồng thời đóng góp hữu ích cho ngành Tài chính và xã hội.
“Chìa khóa để tiến xa, có tính quan trọng và quyết định trong hành trình phát triển của trường là chính sách coi trọng đầu tư nguồn lực con người để phát triển đội ngũ nhân tài giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia quản lý giáo dục đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, nhất là có tài năng chuyên môn và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Nhà trường cam kết đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi, tích cực và hỗ trợ tối đa để đội ngũ có cơ hội phát triển bản thân và đóng góp cho sự vững mạnh của nhà trường”, Phó Giáo sư Phạm Tiến Đạt nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Phùng Quán – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Chính sách thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành được Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện dựa trên các Nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Trường Đại học Khoa học tự nhiên cũng triển khai mục tiêu chính sách này với hai lý do. Thứ nhất, cơ sở đào tạo là một trong những trường thành viên của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh nên được định hướng thực hiện theo chiến lược phát triển chung của Đại học.

Thứ hai, dựa vào tình hình thực tế của nhà trường và từng khoa, cơ sở đào tạo tuyển dụng nhiều nhân lực trình độ cao, có năng lực cống hiến cho các ngành học đáp ứng nhu cầu của quốc gia nói chung và mục tiêu của nhà trường nói riêng, như: Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ sinh học, Công nghệ bán dẫn, Thiết kế vi mạch,… Ngoài ra, những lĩnh vực đào tạo khác trong trường đều tuyển dụng các ứng viên trình độ tiến sĩ, có nhiều nghiên cứu khoa học nổi bật.

Recent Posts

Leave a Comment